"CÁ MÓ" VÀ CHUYỆN KHÔNG PHẢI VỀ MỘT MÓN ĂN
Có lẽ bạn sẽ có lúc trải qua cảm giác giống tôi. Là nhớ về một miền đất, một bài hát, một món ăn hay chợt nhớ một con người một cách...không hiểu sao lúc này mình lại nhớ tới. Người nào đó rất xa xôi nhưng là một phần - dù là rất nhỏ, nhỏ xíu như một chấm màu li ti trong bức tranh đời mình.
Như tôi nhớ về chị vì một món ăn đặc biệt với tôi: cá Mó chiên giòn. Món ăn chỉ là gợi nhớ còn trong ký ức của tôi là một quãng đời của một con người mà tôi được gặp họ tại một trạm của hành trình cuộc đời mình.
Chị tên Hải. Quê chị ở Mũi Né, Phan Thiết. Đó là nơi tôi đã đến một lần để đưa một người anh thân thương về với đất cùng nụ cười của anh cách đây nhiều năm. Rồi chưa quay trở lại. Cho dù là vùng đất đẹp, tôi cũng chưa từng nghĩ đến đó để du lịch. Và tôi cũng chỉ biết quê chị Hải ở đấy.
Hôm nay tôi "gặp lại" món cá mó chiên. Tự dưng nhớ chị thật nhiều! Rồi bao nhiêu hình ảnh cũ quay lại và cũng chợt nảy ra một câu hỏi trong đầu: "Chị giờ này ra sao?"
Hồi giữa năm Nhất, tôi ở trong một phòng trọ của một gia đình, chính xác là trong một căn phòng nhỏ giường tầng, có tận tám cái giường kê sát rạt và tôi thuê một giường trong phòng đó, ở ghép cùng những chị em không quen biết. Phần lớn là sinh viên, có người đi ôn thi, trong đó chị Hải vừa đi làm vừa học luyện thi Đại học. Lúc ấy, tôi không phải là người hay nói và dễ dàng tiếp xúc ngay từ đầu cho đến khi tôi thật sự mở lòng; nhưng một khi đã biết và quý thì tôi luôn tự nhiên và xem họ như người thân của mình. Có lẽ vì vậy tôi hay có những người bạn, người anh, người chị xã hội. Chị cũng là một người tôi thương quý.
Chị Hải ở phòng trọ ấy trước tôi. Khi tôi chuyển đến, ít nói, riêng tư; chị là người hỏi han tôi và giới thiệu mọi người trong phòng. Có lẽ vì chị lớn nhất trong hội đó, chị hơn tôi hai tuổi. Chị gầy, người khá cao so với tôi, tóc đen thẳng ngang vai, mắt đen láy và hun hút kiểu người hay suy nghĩ, hai gò má cao và xương xương. Tôi nhanh chóng quý chị vì chị cứ như tự đứng ra nhận trách nhiệm là chị lớn trong phòng cho dù có một chị khác bằng tuổi chị. Chị quan tâm đến thói quen của từng người để hỗ trợ nhưng không quá đến mức làm phiền họ và hay quét, lau phòng, dọn cái bếp con con bên cạnh phòng ở một cách vui vẻ, không cần phân công hay tị nạnh kiểu "những người lạ sống chung". Khi chị em đã gần nhau hơn, chị kể gia đình chị vốn là dân chài rồi buôn bán nhỏ, sau khi học cấp Ba xong thì chị phải tạm nghỉ học để phụ giúp gia đình. Tới giờ, sau hai năm, chị "lên thành phố" tự xin việc làm nuôi chính mình và nối lại giấc mơ thi Đại học. Chị thích thi Sư phạm Văn mà tôi là đứa duy nhất trong bọn học đúng chuyên ngành ấy. Thế là chị cũng hỏi tôi nhiều điều. Tôi khâm phục chị trước và sau đó là đồng cảm và yêu quý chị dần dần. Từ đó mới đến những bữa cơm hai chị em ăn cùng nhau...
Để tiết kiệm hơn, chị rủ tôi nấu ăn cùng chị cho vui. Thật sự, đối với sinh viên xa nhà, tiết kiệm tiền ăn uống là điều quan trọng với rất nhiều người; mà quan trọng hơn nữa,theo tôi nghĩ là mọi người muốn có bạn ăn cùng, có cảm giác gia đình, có thể chia sẻ, để cười có người cười chung và có khi ta không phải lặng lẽ khóc một mình. Cho dù rất nhiều khi là như thế! Vả lại, tôi ăn uống dễ, không đòi hỏi, không lời ra tiếng vào nên chắc vậy mà chị...chọn tôi là đứa nhỏ ăn cùng chị. Tôi nhớ hoài những bữa cơm của hai chị em tôi mà mỗi đứa thay nhau nấu. Tôi cũng ăn theo cách của chị, không ý kiến gì. Một ngày một nồi canh xà lách xoong. Một ngày một nồi bí đỏ kho đậm đậm. Một ngày dễ thương có cả canh và trứng chiên. Ngày dễ thương khác có canh và cá khô nhà chị gửi vô. Ăn khuya có khi là nồi cháo trắng hoặc bánh tráng nhúng chấm xì dầu. Mà tôi vẫn thấy ngon lạ lùng! Có ngày dễ thương hơn nữa là có cá tươi. Món cá mó chiên! Những hôm đi làm có lương, chị quyết định sẽ ăn "sang" một chút, như vậy đó! Hoặc là rủ cả phòng đi ăn vặt. Chị thương tôi có lẽ bởi tôi không bao giờ chê hay đòi hỏi, tôi vẫn vui khi ăn bất cứ thứ gì chị nấu hay chị mua sẵn cho tôi nấu, cho dù là một nồi canh rau nấu với bột nêm ăn cả ngày mà không có món mặn nào.
Lần đầu tiên tôi ăn Cá Mó là lần chị mua về. Cái con cá dẹt dẹt, không dày thịt nhưng chiên giòn tan lên thì ăn rất ngon. Thế nên hôm nay, lâu lắm mới ăn lại món này, trong tôi trào dâng một nỗi nhớ chị Hải và suy nghĩ về chị. Bởi không chỉ những bữa cơm chúng tôi ăn cùng nhau mà là những câu chuyện chúng tôi cùng chia sẻ!
Chị chăm chỉ, chịu thương chịu khó từ việc làm đến việc học. Khi thân hơn, tôi hay đón chị đi làm về lúc rảnh bởi vì chị đi bộ. Tôi may mắn có việc dạy kèm, làm gia sư nên "nhàn" hơn việc bán hàng ở shop quần áo ở con đường mua sắm Nguyễn Trãi, quận 5. Việc học với chị hơi vất vả, một phần bận việc, một phần chị không đi học đã khá lâu. Chị siêng học bài lắm nhưng nhiều lúc buồn buồn: "Tao không biết có đậu đại học được không nữa. Nhiều khi tao học không vô. Mà tao chỉ thích Sư phạm Văn thôi." Chị viết chữ cũng nắn nót lắm, cũng mê mấy quyển sách của tôi. Có lẽ vì khi nhìn tôi, chị như thấy ước mơ của mình cho nên chị luôn bảo vệ sự im lặng cho tôi đọc sách, cho dù có những kỳ nghỉ dài tôi "kéo rèm" lại đến mấy ngày chỉ để "nhai tiểu thuyết" thôi. Trong chừng mực nào đó, tôi có vẻ như được chị ưu ái nhất trong phòng. Lúc nào cũng kiểu: "Để cho con Chang nó học."
Chị thích vào khoa Văn tới nỗi cái ngày tôi mang cái áo đồng phục khoa mà tôi không có mấy cảm xúc đặc biệt với nó về phòng, đưa chị xem, tôi thấy mắt chị rực sáng lên rồi sau đó chợt buồn. Chị ngắm và mê chiếc áo lắm. Trong lòng tôi nghĩ ngay đến việc tặng chị mà tôi cũng phân vân, phần lớn vì sợ có những dịp phải mặc đồng phục khoa đi học. Nhưng rồi tôi nói: "Em tặng chị đó!" Tôi nói tôi sẽ đặt lại sau nhưng thực chất ai mà in thêm cho một cái. Chị không chỉ vui nhiều mà dường như rất biết ơn tôi. Tôi có thể cảm nhận được lúc ấy chị rộn ràng đến mức nào. Về phần tôi, những khi tôi không mặc đồng phục khoa, có đứa trong lớp nói tôi vì thấy "xấu" nên không thèm mặc, tôi không tha thiết với lớp hay thâm chí tôi là đứa "lạnh lùng". Thật chỉ có đám bạn chơi với tôi mới biết tôi cảm tính, hay lo chuyện bao đồng, "khùng khùng" và dễ khóc, dễ cười (Vậy chắc là "khùng" thật!). Kệ! Tôi thấy chị Hải hạnh phúc với cái điều tưởng chừng như thật nhỏ ấy với tôi là đủ rồi.
Lúc ấy tôi nghĩ rằng: À, thì ra có những thứ với mình thì dễ dàng có được và có thể hết sức bình thường đến nỗi sự thiếu vắng nó không làm mình quá bận lòng. Nhưng đối với người khác lại là cả niềm Hạnh Phúc, là "khung trời mộng mơ". Như chiếc áo màu thiên thanh ấy, với chị!
Chị Hải dần thành một người chị của tôi và như là mẹ của tôi vậy. Chị quan tâm tôi và cả có phần bao bọc tôi. Đó là Diễm Phúc của tôi khi ra ngoài đời. Tôi đã gặp được nhiều người chị khiến tôi thấy mình như em nhỏ, được bao dung và yêu thương, khác với "vai" chị Hai ở nhà. Có những lần tôi đi về, leo lên không gian riêng là chiếc giường của tôi rồi kéo rèm im lặng hay cố gắng kiềm nhưng vẫn nấc lên một chút, chị lại nói mấy đứa còn lại đừng hỏi gì hết. Chị cũng để tôi như vậy, không hỏi không rằng, cho đến khi tôi tự...thôi. Sau đó chị mới nhẹ nhàng hỏi tôi: "Mày buồn hả Chang? Mày buồn chuyện gì?" Tôi kể thì chị nghe, tôi không kể thì chị không gặng hỏi bởi chị biết tính tôi, có những nỗi niềm đi ngược vô trong chứ sao cứ khó để tuôn chảy ra ngoài. Những lúc ấy, chị chỉ nói: "Mày đừng buồn nữa. Thấy mày buồn, tao cũng buồn." Tôi thực sự biết ơn chị ghê lắm! Biết ơn đã yêu thương và cho tôi "không gian".
Và cả chị cũng kể đủ thứ trên đời với tôi. Có lẽ, với tôi chị thấy an toàn và tôi như "cái cây" ngồi im đó, có khi chỉ nghe và không hỏi nhiều hay xáo động chị, trừ khi chị hỏi: "Chang, mày nói tao phải làm sao đây?" Những lúc ấy thì tôi lại nhớ mình nói và nói rất nhiều. Có những lúc chị khóc vì chuyện gia đình, chuyện tình cảm riêng tư, tôi chỉ biết thương chị quá! Có những điều tôi chỉ nghe chứ không thay chị được và cũng có những suy nghĩ "bám rễ" nơi chị, nơi những người con gái được dạy phải luôn biết hy sinh, không nên sống cho chính mình, vì mình "hoàn cảnh" nên không dám và không xứng đáng có hạnh phúc;... mà tôi biết mình chỉ có thể sẻ chia, đồng cảm với họ nhưng bất lực trong việc khiến họ nghĩ khác đi ngay chốc lát. Nhiều người con gái lứa của tôi, à cả tôi, cũng cũng được dạy gần như tương tự! Nhưng may sao có những cái được dạy tôi từ chối thâu nhận vào trong suy nghĩ của mình. Có lẽ phần nhiều nhờ đọc sách. Thế nên tôi nghĩ, phần lớn sự "tranh đấu" của tôi đều diễn ra bên trong tôi.
Ngày tôi chuyển trọ, hai chị em khóc quá trời. Thật ra vẫn gặp nhau nhưng không thường xuyên được và tôi biết chị buồn lắm. Tôi cũng viết thư cho chị để những lúc cần có thể đọc lại như gặp một người bạn. Rồi tôi ra trường và về lại nơi của mình, chỉ liên lạc qua tin nhắn và điện thoại. Rồi dần xa,... Có lẽ đó cũng là quy luật của phần lớn những mối liên hệ trong đời. Cũng có khi mất dấu, cũng có khi vì điều gì đấy họ không muốn liên hệ nữa và ta nên tôn trọng điều này. Có khi lại là từ chính phía ta.
Tôi biết chị không đậu Sư phạm Văn, chị đậu Cao đẳng. Tôi biết chị có một con trai với đúng người mà chị hay kể với tôi là "anh Út". Và chị là mẹ đơn thân! Tôi biết trong đời chị cũng luôn chịu thiệt thòi cho mình mặc dù nhìn chị gai góc và mạnh mẽ. Chị hay nói: "Tao tuổi Hợi sao tao khổ quá, ai cũng nói tuổi Hợi là sướng." Tôi cũng không biết nói sao với những cái rễ nhọn tối màu đâm sâu trong cái cây tâm thức của mỗi con người, những cái mà có cố ráng ta cũng không thể đánh bật trong phút chốc, những điều mà ai cũng phải trải rồi mới có thể nhận ra - hoặc không nhận ra. Như tôi, có nhiều bài chỉ học được sau khi "lên bờ xuống ruộng".
Hôm nay tôi nhớ chị Hải nhiều! Từ khuôn mặt, dáng đi và giọng nói chị hay nói với tôi kiểu miền Nam Trung bộ mà tên tôi lúc nào cũng là "Chang" và âm "r" thì phát ra thành "d".
Tôi tin rằng một phút ta nhớ ai đó trong đời với niềm yêu thương trân trọng chân thành thì bằng cách nào đó người ấy có thể cảm nhận được - thông qua bất kỳ ai khác hay một "phương thức" trung gian nào đó, chứ không hẳn là chính ta. Tôi tin vậy! Tôi thầm mong cho chị những điều tốt đẹp nhất!
Còn có gặp lại hay không? Chẳng phải tình cờ đâu! "Tình cờ và ngẫu nhiên" chỉ tới sau khi ta chủ động muốn có cơ hội và tạo ra cơ hội. Tức là sau khi ta có "hành động". Nghe như nghịch lý? Mà tôi tin là vậy.
Trong thế giới đầy "kết nối ảo" như thế này, liệu có gì thực sự gắn kết hay hiện hữu nếu ta không tự tạo ra Duyên của chính mình. Và bản thân sự biết nhau trong đời đã là "mầm" duyên được gieo một cách kỳ lạ và không hề ngẫu nhiên...
Nhận xét
Đăng nhận xét