TÌNH GIÀ

"Anh ơi, mai là giỗ anh rồi, anh về với mẹ con em, với cháu chắt anh nhé!"

Tiếng nấc, tiếng nức nở, nghẹn ngào trên gian phòng thờ là của Bà Nội. 

Tôi đã thấy dép của bà để trước cửa nhà tôi. Vậy là lại sang "tâm sự" cùng ông rồi. Tôi đứng lặng, không bước lên trên thêm nữa, dựa cầu thang một lúc, nước mắt ở đâu trào ra, nín lặng, lòng quặn thắt theo tiếng nấc của một người vợ tóc đã bạc phơ.

 Tôi vào phòng, khẽ khàng đóng cửa. 

Lúc ấy, đừng đánh động không gian riêng tư và cắt ngang những lời tâm tình của một người vợ với chồng mình, dù chỉ là ánh nhìn qua tấm ảnh. Đó là một trời yêu thương thiêng liêng cần được tôn trọng. Lúc ấy, đừng nói với người vợ ấy: "Thôi, đừng khóc. Thôi, đừng buồn. Thôi, người đi đã đi rồi. Thôi, hãy còn con với cháu!".

Tuyệt đối, đừng nói những điều như vậy! Bởi lúc đó họ cần phải buồn và họ cần được khóc. Không có gì thay thế được "tình già", không có gì thay thế nổi tình yêu của người vợ với người chồng quá cố của mình. Việc ta có thể làm là hiểu và âm thầm yêu thương nhiều hơn. Đừng nói với họ những điều như vậy với biết bao nhiêu năm tháng hai con người ấy đã bên nhau và tạo dựng cuộc sống cùng nhau, thăng trầm cùng nhau; rồi sinh ly tử biệt. Lúc ấy, đừng an ủi bằng những điều mà ta cũng thường được nghe!

Có bao lâu đi nữa, tình yêu trong lòng Bà đối với Ông vẫn là lời tâm tình mỗi ngày cùng tấm ảnh ấy, không hề thiếu, vẫn là "Anh ơi" và "Em đây". Cảm xúc vẫn tuôn chảy như dòng suối. Con người ta chỉ già đi theo nghĩa sinh học cùng năm tháng và số tuổi chất chồng, chứ chẳng thể nào đánh mất được tâm hồn giàu yêu thương và một tình yêu cứ căng tràn trong trái tim, trong lồng ngực. Bao tháng ngày chỉ làm cho tình yêu đó nhiều lên và dày thêm, càng sâu đậm thêm thôi. Tôi cũng vẫn tin rằng, cho tới khi trái tim còn đập, cho dù ta có thể quên mọi thứ thì cũng không thể quên đi người vợ, chồng mà mình thật lòng yêu thương. Như ông nội của tôi, những ngày tháng cuối cùng khi trí nhớ đã suy giảm, ông vẫn không quên duy nhất một mình bà và suốt ngày chỉ tìm vợ, gọi vợ của mình mà thôi. Bởi với người ấy, ông cảm giác được yêu thương, quan tâm, săn sóc và an toàn. Không có gì an toàn bằng tấm lòng và vòng tay của người yêu mình và người mà mình yêu.

Tôi cứ chứng kiến những điều đó, dù đứt đoạn, theo từng giai đoạn trong cuộc đời tôi, mà yêu hai con người ấy quá đỗi. 

Có bất đồng không, có to tiếng không, có khóc lóc không? Sao không có! Nhưng mọi thứ đều được giải quyết chỉ bằng tình yêu thương họ dành cho nhau. 

Bà Nội tôi, ngoài tám mươi rồi, vẫn thế, vẫn dễ giận, dễ buồn, dễ khóc, dễ vui và cảm xúc. Cho nên, tôi không tin con người ta sẽ dần chai sạn theo thời gian hay cuộc đời khắc nghiệt làm ta chai sạn. Tôi vẫn tin đó là lựa chọn sống thế nào của mỗi con người.

Tôi để yên cho bà khóc và tâm sự cùng người tình của cuộc đời mình - như bà cũng đã từng làm thế với tôi ngày xưa tôi bé. Đó là người không hỏi tôi dồn dập, không nói tôi "Đừng buồn" ngay lập tức. Người đó để tôi khóc một mình (và có lẽ trong lòng cũng có khi âm thầm khóc cùng tôi), để tôi thả hết lòng mình rồi mới từ từ hỏi chuyện. 

Tôi hiểu bà cũng cần như vậy, âm thầm cạnh bên. Bà muốn được khóc cho người thương của mình, muốn trao đi những giọt nước mắt của đau buồn, tiếc nhớ, trân trọng, yêu thương một trời.

Nước mắt của bà cũng là món quà của bà dành cho người ấy.

Nước mắt là những gì sống động nhất, đẹp đẽ nhất mà "Em" có thể dành tặng cho "Anh" với cuộc tình mình đã cùng nhau gần trọn cuộc đời...

Hãy để một người vợ tóc bạc được thoả sức khóc và tâm tình với chồng của mình, dù qua tấm ảnh...

Đừng nói: "Đừng khóc, đừng buồn." Hãy cho "Tình già" một khoảng không mà chẳng con cháu hay yêu thương nào bù đắp nổi...







Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện ỐC ĐẢO (Tạm kết)

BÍ MẬT CĂN PHÒNG SỐ 19